VietnameseEnglish (United Kingdom)
Trang chủGiới thiệuSản phẩmTin tức & sự kiệnThông tin về điềuTuyển dụngLiên hệ

Sản phẩm

Số lượt truy cập

mod_vvisit_countermod_vvisit_countermod_vvisit_countermod_vvisit_countermod_vvisit_countermod_vvisit_countermod_vvisit_counter

Nâng cao sức cạnh tranh của hạt điều

nâng cao sức cạnh tranh của hạt điềuTheo Hiệp hội Điều Việt Nam (VINACAS), năm 2008 sản lượng xuất khẩu điều của Việt Nam đạt 167.000 tấn với kim ngạch đạt 950 triệu USD, vươn lên số 1 thế giới về xuất khẩu nhân hạt điều.


Hạt điều Việt Nam hiện đang có mặt tại trên 40 nước và vùng lãnh thổ. Trong chín tháng đầu năm nay, cả nước đã xuất khẩu được 131.000 tấn nhân điều, đạt kim ngạch 607 triệu USD, tăng 6% về sản lượng nhưng kim ngạch lại giảm 3% so với cùng kỳ năm ngoái do giá điều trên thị trường xuống thấp.

 


Hiện nay, do tình trạng thiếu hụt nguyên liệu nên VINACAS dự báo trong quý IV cả nước chỉ xuất khẩu thêm được 30.000 tấn nhân điều. Do vậy kim ngạch cả năm có thể chỉ đạt tối đa 800 triệu USD, thấp hơn nhiều so với năm ngoái.
Mục tiêu phấn đấu của ngành điều là tới năm 2011, diện tích trồng điều cả nước sẽ đạt 450.000 hecta với sản lượng thu hoạch 500.000 tấn, cùng với lượng điều thô nhập khẩu sẽ chế biến xuất khẩu khoảng 200.000 tấn điều nhân để thu về 1 tỉ USD.

 


Bức tranh chưa sáng sủa


Mặc dù hạt điều Việt Nam đã khẳng định được thương hiệu trên thị trường thế giới, nhưng các nhà sản xuất lẫn xuất khẩu điều vẫn đang phải đối mặt với nhiều khó khăn và thách thức. Chẳng hạn giá thành nhân điều cao hơn giá xuất khẩu do tỷ lệ thành phẩm so với nguyên liệu cao. Rồi tình trạng tranh mua nguyên liệu vẫn tiếp tục diễn ra do nguồn nguyên liệu trong nước không đáp ứng đủ nhu cầu.


Bên cạnh đó, tình trạng thiếu lao động cũng là một vấn đề khó khăn của các doanh nghiệp ngành điều, chưa kể năng suất của người lao động hiện nay vẫn còn thấp do tính chất của ngành điều là làm thủ công.


Bên cạnh những khó khăn trên, ngành điều cũng đang có những cơ hội thuận lợi để phát triển và khẳng định vị trí trên thị trường quốc tế. Theo nhận định của một số chuyên gia, nguyên liệu điều của Việt Nam rất tốt, thổ nhưỡng đất đai phù hợp để cây điều phát triển với năng suất và chất lượng cao. Thậm chí không ít khách hàng trên thế giới đã yêu cầu mặt hàng điều nhập khẩu vào nước họ phải ghi rõ xuất xứ từ Việt Nam.


Ngoài ra, hiện nay chúng ta cũng đã có một số nhà máy lớn đủ tiêu chuẩn để cạnh tranh với nước ngoài với mức sản xuất chiếm 25% trên tổng thị phần xuất khẩu điều của cả nước.


Nên hay không nên xuất khẩu công nghệ chế biến hạt điều?


Một trong những vấn nạn của ngành điều hiện nay là tình trạng thiếu hụt nguyên liệu trầm trọng và lâu nay chúng ta vẫn phải nhập từ các nước châu Phi.


Theo thống kê của VINACAS, từ năm 2007 đến nay Việt Nam đã nhập khẩu trung bình 200.000 tấn/năm điều thô từ nước ngoài để phục vụ công nghiệp chế biến trong nước, trong đó Tây Phi và Đông Phi (gồm các quốc gia Bờ Biển Ngà, Nigeria, Ghana, Mozambique, Tanzania…) chiếm đến 80% sản lượng.


Việc nhập khẩu nguyên liệu của Việt Nam là tất yếu bởi sản lượng điều thô thu hoạch chỉ đáp ứng được 60% nhu cầu chế biến. Từ năm 2007 đến nay sản lượng điều thô thu hoạch chỉ đạt xấp xỉ 300.000 - 350.000 tấn/năm trong khi công suất chế biến của các doanh nghiệp lên đến 600.000 tấn/năm, riêng năm 2009 dự kiến là 650.000 tấn.


Hồi đầu tháng 9 vừa qua, tại thành phố cảng Abidjan của Bờ Biển Ngà, Liên hiệp hội Điều châu Phi (gọi tắt là ACA) đã tổ chức hội nghị thường niên lần thứ 4. Hiệp hội Điều Việt Nam (VINACAS) tham dự với bốn thành viên do ông Nguyễn Thái Học, chủ tịch VINACAS, làm trưởng đoàn.


Tại thời điểm quý III/2009, khi nguyên liệu dự trữ đã cạn, các doanh nghiệp chế biến điều Việt Nam kỳ vọng trong chuyến đi lần này đoàn đại biểu VINACAS sẽ giúp tìm kiếm được nguồn nguyên liệu đầu vụ Đông Phi 2009 (khoảng từ tháng 10 trở đi) có chất lượng tốt và giá cả hợp lý, để giải quyết các tồn đọng trong hợp đồng nhập khẩu điều thô, hoặc tìm cách hỗ trợ doanh nghiệp Việt Nam mua bán điều thô trực tiếp chứ không phải mua qua nhiều trung gian như trước (97% lượng điều thô nhập khẩu của Việt Nam được giao dịch thông qua các thương gia, nhà môi giới Ấn Độ, Singapore…).


Trong khuôn khổ hội nghị nói trên, một doanh nghiệp thành viên VINACAS đã ký hợp đồng tài trợ không hoàn lại (BOT) một nhà máy chế biến điều cho Bờ Biển Ngà có vốn đầu tư một triệu USD với mong muốn dự án này là mô hình điểm giúp ngành điều Bờ Biển Ngà và châu Phi phát triển công nghệ chế biến điều “made in Vietnam”.


Mặt khác, tại các biên bản ghi nhớ ký với các hiệp hội điều châu Phi, VINACAS đã quan tâm tập trung đề xuất hỗ trợ bạn về công nghệ và thiết bị để họ có thể chế biến hạt điều như Việt Nam.


Nhận định về việc này, ông Nguyễn Văn Lãng - nguyên Phó chủ tịch VINACAS, cho rằng công nghệ chế biến hạt điều Việt Nam không phải là vật dễ dàng trao đổi.


Cần nghĩ đến lợi thế cạnh tranh


Công nghệ chế biến hạt điều Việt Nam chính là “báu vật”, “bí kíp” vì đã góp phần vào sự thành công của ngành điều trong nước trong vòng 20 năm trở lại đây, làm cho những quốc gia có ngành sản xuất chế biến điều trước chúng ta hàng trăm năm đi từ ngạc nhiên này đến ngạc nhiên khác. Từ chỗ xuất hạt điều thô giá trị thấp, Việt Nam đã vươn lên trở thành quốc gia chế biến nhân điều đứng thứ hai thế giới và xuất khẩu nhân điều hàng đầu thế giới.


Công nghệ chế biến điều Việt Nam là điều mà không chỉ các quốc gia có nền chế biến lâu đời như Ấn Độ và Brazil mà kể cả cộng đồng các quốc gia có trồng điều ở châu Phi, vốn từ trước đến nay chỉ tập trung xuất khẩu điều thô, rất quan tâm. Kể từ năm 2006, rất nhiều đoàn khảo sát từ Ấn Độ, Bờ Biển Ngà, Nigeria, Mozambique, Tanzania… đã đến Việt Nam để tìm hiểu về công nghệ này.

Hơn mười năm trước, vấn đề xuất khẩu công nghệ chế biến hạt điều của Việt Nam qua châu Phi cũng đã từng được đặt ra, nhưng do gặp phản ứng dữ dội từ báo chí, từ nhiều cán bộ lão thành và người có công với ngành điều, cuối cùng ý định trên đã phải gác lại. Bộ Khoa học - Công nghệ và Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cũng đã có công văn không đồng ý xuất khẩu thiết bị và công nghệ chế biến điều của Việt Nam.


Tại thời điểm đó, Hiệp hội Điều Việt Nam từng khẳng định: “Công nghệ chế biến điều là của Việt Nam mà chủ sở hữu là ngành điều Việt Nam”.


Báo động tương lai ngành chế biến điều


Ông Nguyễn Văn Lãng báo động một thực tế là trong tương lai, một khi đã nắm được công nghệ chế biến thì có thể các đối tác châu Phi sẽ hạn chế việc bán điều thô. Về phía chúng ta, nếu thiếu nguyên liệu thì ngành chế biến điều Việt Nam với hàng trăm ngàn lao động sẽ lao đao, trong khi sản lượng điều thô chỉ đáp ứng một nửa nhu cầu chế biến.


Quy hoạch của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tại Quyết định 39/2007/QĐ-BNN cũng chỉ rõ là ngành điều Việt Nam cần “giữ diện tích trồng điều ổn định từ nay đến 2020” và cố gắng “tập trung thâm canh, thay thế giống điều cũ bằng giống mới có chất lượng cao để tăng năng suất cây trồng”, như vậy nguy cơ thiếu hụt nguyên liệu cho ngành điều là hiển nhiên. Trên thực tế hiện cây điều lại đang bị cạnh tranh gay gắt bởi các loại cây công nghiệp dài ngày khác ở Bình Phước, Đồng Nai…


Bên cạnh đó, công nghệ chế biến điều - “bí kíp” của ngành điều Việt Nam, cũng là tài sản quốc gia - liệu có được phép trao đổi hay không nếu chưa được sự đồng thuận của cả tập thể ngành điều?


Thiết nghĩ VINACAS cần quan tâm đến lợi thế cạnh tranh, đến quyền lợi của cả một ngành sản xuất, đến cuộc sống của hàng trăm ngàn lao động và đặc biệt là tâm huyết của hàng trăm nhà khoa học và của tập thể những người đã gắn bó cả đời với ngành điều.


Hơn lúc nào hết, ngành điều Việt Nam nói chung và Hiệp hội Điều Việt Nam nói riêng cần phải có sự thay đổi tích cực; các tổ chức, cá nhân trong ngành cần luôn tâm niệm rằng công nghệ chế biến điều của Việt Nam là tài sản quý giá và không nên mang đi đổi chác nếu không có sự đồng ý của cả tập thể ngành.

 

Nguồn: Báo Tuổi trẻ Online



Copyright©2010 Vinalimex J.Co Hochiminh City
Add.: 458B Nguyen Tat Thanh Street,  Ward 18, District 4, HCMC, Vietnam
Tel.: +8428 39408357 - Fax: +8428 39410073 - Email: kha.vinalimex@gmail.com